Các quán cơm truyền thống phục vụ bữa ăn gia đình tại Hàn Quốc đang dần mai một, khi người tiêu dùng ngày càng ưu ái trải nghiệm tại các nhà hàng hiện đại, đẹp mắt, hoặc chuộng các món ăn kiểu Tây hơn
Baekbanjip, dạng nhà hàng bình dân chuyên phục vụ bữa cơm truyền thống gồm một bát cơm, món canh và nhiều món phụ, đang dần biến mất tại Hàn Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do xu hướng ẩm thực thay đổi, giới trẻ và thực khách hiện nay có xu hướng lựa chọn những không gian ăn uống đẹp, thoải mái, hợp để "check-in" trên mạng xã hội.
Bà Kim Young-hee, 70 tuổi – đầu bếp và chủ quán Cheongju ở khu Hapjeong-dong, phía tây thủ đô Seoul – là một trong những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi này. Cách đây 10 năm, mỗi ngày quán bà phục vụ ít nhất 100 khách, nhưng hiện nay, lượng khách chỉ còn khoảng một nửa.
Khi mới mở quán hơn 20 năm trước, khu vực bà Kim kinh doanh có khoảng 10 tiệm cơm tương tự. Đến nay, bà là người duy nhất còn hoạt động, giữa lúc cả khu phố đã trở thành điểm đến ưa chuộng của giới trẻ. Theo bà, việc các quán ăn kiểu cũ ngày càng vắng bóng phản ánh sự suy giảm của mô hình quán ăn truyền thống – những nơi vốn gắn liền với hương vị bữa cơm gia đình. Trong bối cảnh hiện đại, chúng phải cạnh tranh với các mô hình nhà hàng mang phong cách mới, hợp thời hơn.
THAM KHẢO: TOUR DU LỊCH HÀN QUỐC
“Những món ăn truyền thống từng được yêu mến nay không còn theo kịp xu thế, giới trẻ thích các món fusion hay ẩm thực phương Tây”, bà Kim chia sẻ. Theo bà, phần lớn khách trẻ ghé qua khu Hapjeong-dong sẽ chọn tiệm ramen kế bên thay vì bước vào quán cơm lâu năm của bà.
Một trong những quán cơm bình dân nổi tiếng là Jeil Miga, nằm gần Đại học Sungkyunkwan, từng phục vụ sinh viên suốt hơn 30 năm, đã chính thức đóng cửa vào năm 2021. Một quán khác gần Đại học Hallym tại Chuncheon, tỉnh Gangwon, cũng ngưng hoạt động vào tháng 3/2024 sau gần hai thập kỷ kinh doanh.
Bên cạnh sự thay đổi trong khẩu vị ăn uống, giá nguyên liệu tăng cao cũng là gánh nặng lớn với những người kinh doanh kiểu truyền thống. Bà Kim cho biết, hộp rau chân vịt 4,5 kg từng có giá 10.000 won (khoảng 180.000 đồng) thì nay đã tăng gấp đôi – lên đến 20.000 won (khoảng 370.000 đồng).
Theo báo cáo của Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc tháng 4/2024, một suất canh kimchi kèm cơm có giá trung bình khoảng 8.000 won (tương đương 150.000 đồng) vào năm 2023. Trong khi đó, tại quán của bà Kim – Cheongju Restaurant – một phần ăn gồm kimchi jjigae, cơm và 6 món phụ có giá 9.000 won (khoảng 170.000 đồng).
Bà Kim cũng chia sẻ khó khăn khi mỗi sáng phải dậy từ sớm để chuẩn bị và nấu mới các món phụ mỗi ngày. “Dù công việc khá vất vả, tôi vẫn mong muốn khách của mình có được cảm giác như đang ăn cơm nhà”, bà tâm sự. Dù gặp nhiều trở ngại, không ít người vẫn kiên trì duy trì mô hình quán cơm truyền thống. Bà Han, ngoài 60 tuổi – chủ quán Hansikdang tại Hwayang-dong, gần ga Đại học Konkuk – đã chủ động thay đổi phong cách quán ăn để thích nghi.
Ba năm trở lại đây, bà đầu tư cải tạo không gian theo hướng hiện đại hơn, thay bộ bát đĩa thành đồ cao cấp để nâng trải nghiệm ăn uống, đặc biệt nhằm thu hút giới trẻ và khách quốc tế. “Sau khi trừ các chi phí vận hành, lợi nhuận hầu như không còn, nhưng phong cách mới đã giúp quán hút khách hơn”, bà Han nói. Bà cho biết đang cân nhắc giảm số lượng món ăn kèm thay vì tăng giá bán.
Hiện tại, một phần thịt heo xào cay kèm cơm và 9 món ăn kèm tại quán bà Han có giá 12.000 won (khoảng 220.000 đồng) – mức giá bà cho rằng đã hợp lý nhất có thể.
Dù các chủ quán cố gắng cải tiến, xu hướng tiêu dùng vẫn dịch chuyển rõ rệt. Ha Yoo-jeong, sinh viên 24 tuổi tại Seoul, cho biết cô và bạn bè thường chọn ăn Malatang hoặc dùng bữa tại căng tin trường.
“Đi giữa giờ học, Malatang nhanh và tiện hơn. Còn cơm bình dân thì tôi ăn ở nhà là được. Hơn nữa, không gian các quán cơm baekbanjip nhìn cũ kỹ, không phù hợp tụ tập bạn bè”, Ha nói. Yoon Hye-jeong, nhân viên văn phòng tại Seoul, cũng thường xuyên dùng bữa tại căng tin công ty, nơi giá chỉ khoảng 7.000 won (130.000 đồng) cho một bữa ăn đầy đủ món. “Giờ căng tin đã có nhiều món đa dạng, ngon, giá lại rẻ hơn nhà hàng bên ngoài nên không có lý do gì để phải ra ngoài ăn”, Yoon chia sẻ.
Theo giáo sư Lee Eun-hee – chuyên gia khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha – khó khăn mà các quán cơm bình dân gặp phải sẽ còn tiếp diễn do xu hướng ăn uống thay đổi và tác động của kinh tế. “Ngày càng ít người muốn ra ngoài ăn một bữa cơm gia đình, vì cảm giác chẳng khác gì bữa cơm nấu ở nhà”, bà Lee nhận định. Đồng thời, bà cũng cho rằng người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến các món ăn chuyên biệt, hiện đại hơn, chẳng hạn như món Âu kiểu pasta hay ẩm thực kết hợp.
Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý rằng các quán baekbanjip rất khó tăng giá vì đối tượng khách chủ yếu là người lao động, vốn tìm đến các quán này để ăn no với chi phí hợp lý. Việc tăng giá có thể khiến họ mất đi lượng khách vốn có. Sự suy giảm của các quán cơm bình dân không chỉ đơn thuần là bài toán kinh doanh, mà còn phản ánh sự dịch chuyển trong văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, nơi mà người tiêu dùng dần ưu tiên những trải nghiệm ăn uống hiện đại, tiện lợi và đa dạng hơn.