Nhà thờ Thánh Vitus là nhà thờ lớn nhất và quan trọng nhất của Cộng hòa Séc. Nằm trong khuôn viên của lâu đài Prague, đây là một trong những ví dụ điển hình nhất của kiến trúc Gothic của du lịch Đông Âu.
Nhà thờ Thánh Vitus có tên chính thức là Nhà thờ Thánh Vitus, Wenceslas, và Adalbert, là trụ sở của Tổng giám mục Prague. Từ lâu, đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của vua Bohemia và hoàng đế La mã thần thánh. Nhà thờ chính là một trong những điểm đến mà bạn nhất định phải ghé thăm khi đi du lịch Châu Âu.
Lịch sử của nhà thờ Thánh Vitus
Nhà thờ ban đầu được xây dựng tại đây vào năm 929 để tưởng nhớ thần Svetovid, vị thần của chiến tranh và sự thụ thai. Sau đó, Công tước Wenceslas I đã cho xây dựng lại nhà thờ và đã phong thánh cho Thánh Vitus. Năm 1060, khi giám mục Prague được thành lập, nhà thờ này được mở rộng thành một nhà thờ lớn ba gian với hai tháp chuông.
Năm 1344, Prague trở thành Tổng giám mục và vua John the Blind đã quyết định cho xây dựng một nhà thờ lớn hơn để xứng với vị thế của ông. 2 năm sau, vua John the Blind qua đời và người kế vị, vua Charles IV đã giao công trình này cho kiến trúc sư người Pháp, Mathieu d’Arras phụ trách.
Năm 1352, D’Arras qua đời, nên việc xây dựng nhà thờ được giao cho kiến trúc sư Peter Parler. Ông giữ nguyên thiết kế của D’Arras và thêm vào một số nét kiến trúc đặc trưng riêng.
Khi Parler qua đời, ông đã hoàn thành việc tu sửa nhà thờ, Nhà nguyện Thánh Wenceslas và Cổng Vàng. Sau đó, con trai của Parler tiếp tục đảm nhiệm việc xây dựng nhà thờ. Năm 1399, tháp đồng hồ và cánh ngang của nhà thờ đã được hoàn thành. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà thờ bị chậm lại và gần như bị ngưng trệ do Chiến tranh Hussite năm 1419. Tòa tháp đã bị phá hủy trong một vụ cháy lớn vào năm 1541 và được xây dựng lại ngay sau đó. Năm 1770, kiến trúc sư người Áo – Ý, Nicolaus Pacassi đã thiết kế thêm một mái vòm phong cách Baroque ở trên đỉnh tháp.
Năm 1873, mặt tiền phía tây được xây dựng dưới sự lãnh đạo của kiến trúc sư Josef Mocker. Năm 1899, kiến trúc sư Kamil Hilbert thay thế Mocker để giám sát việc xây dựng nhà thờ. Đến năm 1929, nhà thờ Thánh Vitus được hoàn thành.
Kiến trúc bên ngoài Nhà thờ Thánh Vitus
Cổng Vàng
Cổng Vàng là lối vào chính của nhà thờ. Cánh cổng được trang trí với bức tranh khảm vàng “Phán quyết cuối cùng” được tạo ra vào thế kỷ 14 bởi các nghệ nhân người Venetian.
Tháp đồng hồ
Tháp đồng hồ cao 96.5 mét là tòa tháp cao nhất của nhà thờ Thánh Vitus. Điểm nổi bật nhất của tháp là đỉnh tháp được thiết kế theo kiến trúc Phục hưng và mái vòm Baroque. Nếu muốn ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh của thành phố Prague, bạn có thể leo lên đỉnh tháp.
Mặt tiền phía tây
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ Thánh Vitus được xây dựng từ năm 1873 đến năm 1929 theo phong cách Gothic với các ô cửa được thiết kế bằng kính màu.
Kiến trúc bên trong nhà thờ Thánh Vitus
Thánh đường
Thánh đường được xây dựng bởi Peter Parler là một trong những điểm nổi bật của nhà thờ Thánh Vitus. Ở giữa của thánh đường là lăng mộ hoàng gia với những ngôi mộ khổng lồ được thiết kế bởi nhà điêu khắc Alexander Colyn vào năm 1571 – 1589 cho Hoàng đế Ferdinand I và vợ. Tác phẩm nghệ thuật ấn tượng khác trong lăng mộ là ngôi mộ của Thánh Gioan Nepomuk, một vị tử đạo người Séc. Ngôi mộ được thiết kế vào năm 1736 bởi kiến trúc sư người Áo Joseph Emanuel von Erlach. Ông đã sử dụng hai tấn bạc để tạo ra tượng đài này.
Nhà nguyện Thánh Wenceslas
Nhà thờ Thánh Wenceslas được xây dựng để tưởng nhớ vị thánh bảo trợ của Cộng hòa Séc. Nhà nguyện nằm ở gần Cổng Vàng, được xây dựng vào thế kỷ 14. Nhà nguyện được trang trí với hơn 1300 viên đá quý và các bức tranh trường miêu tả các cảnh trong kinh thánh và kể lại cuộc đời của Thánh Wenceslas.
Hầm mộ Hoàng gia
Hầm mộ Hoàng gia là nơi chôn cất của các vị hoàng đế Bohemia, bao gồm vua Charles IV, Vaclav I và Rudolph II. Trong hầm mộ, bạn cũng sẽ nhìn thấy một số phần còn sót lại của nhà thờ ban đầu được xây dựng bởi Công tước Wenceslas I.