Hè năm 2022, sau Covid-19, chị Hằng cùng một người bạn nữ xách ba lô du lịch Ấn Độ. Mặc kệ những ánh mắt của người xung quanh, lòng chị Hằng son sắt một niềm tin mãnh liệt. Đó là một trong những chiếc nôi huy hoàng bậc nhất của nhân loại, sẽ không “nuốt chửng” hai nữ du khách bé nhỏ. Chị Hằng muốn khám phá quê hương đạo Phật, Đạo Hindu, của Yoga, cờ vua, chữ số Ảrập và số 0.
“Mấy năm trước, tôi bảo là sẽ đi du lịch Ấn Độ tự túc cùng một em gái nhỏ tuổi. Người bạn tôi ca thán: “Thôi thôi, tôi can, mỗi hai đứa con gái lại còn đi Ấn”. “Không đọc báo bao giờ à?”, người đó hỏi. Mọi người dọa nhiều, tôi lặng lẽ cho vào vali một… con dao gấp“, chị Hằng kể.
Đến ngày khởi hành, hôm ấy, máy bay gọi khách lên tàu bay đúng giờ. Nhưng hành khách yên vị, máy bay cứ dừng ở Nội Bài gần một giờ sau mới cất cánh. Chị Hằng nhìn đồng hồ mà sốt hết cả ruột. Vì ở Delhi, chị đã đặt xe đến đón. Tài xế chỉ có thể đợi một thời gian tương đối, rồi phải đón khách khác…
Tới New Dehli, bắt đầu chuyến du lịch Ấn Độ
Sân bay ở quốc gia vốn chịu điều tiếng ít tôn trọng phụ nữ, lại xướng danh bà Indira Ghandi. Sau khi hạ cánh, chị Hằng làm thủ tục nhập cảnh. Họ vội vàng ra cửa sân bay tìm tài xế. 22h30, người tài xế chị đặt trước đó vẫn đứng chờ, cầm tấm biển đề tên chị. Anh nói, có mặt ở đây gần 2 tiếng rồi, định đi về. Thế nhưng, biết nhóm chị Hằng là phụ nữ lại từ xa đến nên nhất quyết đợi. Hơn 100.000 VNĐ là thù lao của anh cho cuốc xe ấy…
Đã gần 23h30, nhóm chị Hằng về đến khách sạn, nhận phòng xong. Họ hoa mắt vì đói. “Tôi hỏi hai nam lễ tân rằng, xung quanh còn quán xá nào phục vụ đồ ăn không. Hai người này bàn bạc điều gì đó, rồi bảo tôi cứ về phòng tắm rửa nghỉ ngơi. Họ sẽ đi mua cơm. Khoảng 10 phút sau, lễ tân mang lên tận phòng chúng tôi 2 suất cơm nóng hổi. Họ không quên chúc chúng tôi ngon miệng rồi đi ngay, không đòi bất kỳ điều gì khác“.
Xem thêm: Cột sắt không gỉ ngàn năm ở Ấn Độ
Khoang tàu điện toàn nam giới… ở Ấn Độ
Chị Hằng thăm Lotus Temple, ngôi đền lớn bậc nhất thủ đô vào sáng hôm sau. Tàu điện ngầm lúc ấy chật như nêm. Chị không kịp lên toa dành riêng phụ nữ nên đành vào toa thường. Tàu đông nhưng tĩnh lặng, không ai trò chuyện, chẳng ai bật nhạc loa ngoài, cũng không hề chen lấn xô đẩy. Đứng quanh chị Hằng toàn là nam giới, tất cả đều đeo túi hoặc ba lô đằng trước. Việc này nhằm tránh va phải người khác trên toa tàu, giống như Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ nhường cho nhóm chị Hằng một khoảng trống nhỏ. Tất nhiên, không ai có ý đồ lại gần làm phiền, đụng chạm. Thấy nhóm chị cầm bản đồ thảo luận đến tham quan đền Lotus, một người đàn ông đứng cạnh mới cất lời: “Để đến ngôi đền đó, các bạn cần phải chuyển tuyến một lần. Sau hai ga nữa hãy xuống rồi chuyển sang metro màu tím nhé!”. Anh này xuống tàu ở ga tiếp theo. Trước khi xuống, nam hành khách còn hỏi mấy người đứng cạnh xem có ai xuống cùng bến chị Hằng để hướng dẫn chi tiết hơn.
Ly sinh tố ngỡ ngàng ở New Dehli
Ngày hôm đó nắng từ sáng sớm đến tận 19h, giống như mọi ngày hè khác ở Ấn Độ. Các quầy bán nước hoa quả trên đường phố chật ních du khách. Buổi chiều, sau tham quan pháo đài Lal Qila, đền thờ Jama Masjid, nhóm chị ghé quầy sinh tố ở cổng Jama Masjid. Trên menu toàn tiếng Hindi, chỉ có mức giá duy nhất 30 rupee (9.000 đồng). “Hai đứa uống một sinh tố xoài, một sinh tố chuối. Bảo nhau, giá tiền này chắc chỉ cốc bé tí độn toàn đá. Thế mà, ông chủ quán xay xoài ngay trước mắt chúng tôi. Đổ ra một cốc khổng lồ, mát lạnh, đặc những xoài và không có viên đá nào. Thậm chí, vẫn còn thừa một cốc nữa trong máy xay. Ông chủ không biết tiếng Anh, ra hiệu tôi uống hết để rót nốt. Sau đó, ông làm sinh tố chuối, cũng xay thừa thành hai cốc rưỡi. Vậy là, mỗi người chúng tôi thêm hơn một cốc chuối. Chỉ 18.000 đồng, chúng tôi uống bốn cốc rưỡi sinh tố chuối, xoài, không đá cục“. Điều đáng ngạc nhiên bởi ngay hai điểm du lịch lớn đồng thời khu dân cư sầm uất của Delhi. Suốt mấy ngày du lịch Ấn Độ, chị Hằng chợt nhận ra,”chặt chém”, “bắt nạt” hay “chèn ép” không có trong tâm thức người Ấn. Ngược lại, họ đều xởi lởi, nồng ấm đến ngỡ ngàng và luôn nở nụ cười trìu mến.
Hành trình du lịch Ấn Độ ở Jaipur…
Mấy ngày sau, chị Hằng tới Jaipur – thành phố màu hồng, tạc vào huyền thoại. Trong khi giờ nhận phòng là 12h trưa, chị tới vào đầu giờ sáng. Chủ khách sạn là một bác trai hiếu khách. Vừa nhìn thấy nhóm chị Hằng đã mời mang vali vào phòng nghỉ ngơi trước. “Trước ánh mắt e ngại của hai đứa sợ phải trả thêm tiền nếu nhận phòng sớm. Bác nói không sao, phòng này hôm nay trống nên hai người cứ vào, không cần trả thêm phí. Thật kinh ngạc, bởi chúng tôi hầu như chưa gặp trường hợp tương tự nào như thế. Mọi khách sạn ở nhiều nước tôi từng đi hiếm khi cho khách dùng thêm giờ mà miễn phí.”
Đến Jaipur, những gì trên mạng quá đỗi tầm thường. Cả một quần thể rộng lớn nhà cửa, đền đài, di tích, chợ trời, cửa hàng cửa hiệu đều một màu hồng sinh động, diễm lệ. Đi mấy ngày cũng không xem hết chứ không phải vài khu phố. Chị Hằng vào tham quan City Palace, cung điện trải qua 3 thế kỷ kiêu sa giữa lòng thành phố. “Khi hai đứa mải mê chụp ảnh cho nhau trong không gian bao la của cung điện. Một bác trung niên Ấn tham quan cùng vợ và con, mỉm cười, gọi chúng tôi. Bác muốn chụp ảnh giúp hai đứa, tận tình hướng dẫn thế nào để thu trọn toàn cảnh cung điện“. Rồi, bác hỏi các bạn đến từ đâu, chị Hằng thẹn thùng trả lời: “Tôi đến từ Việt Nam”. Bác cười, nâng tông giọng đầy hào sảng như trên đài phát thanh. “Bạn phải nói thế này cơ. I’m from Great Beautiful VIET NAM!”. Cùng với gia đình họ, nhóm chị Hằng cười phá lên. Chị cảm giác bao nắng nóng, mệt nhọc và âu lo đều tan biến. Trước lúc chia tay, bác trai nói: “Tôi biết đất nước các bạn“!
Suốt thời gian du lịch Ấn Độ, qua 4 thành phố, chị Hằng gặp trăm người như thế. Trang phục, trang sức, cách giao tiếp, chị Hằng biết, nghề nghiệp, dân tộc và tôn giáo của họ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều rất thân thiện, tình cảm, sẵn sàng trò chuyện và giúp đỡ người khác. Có người sửng sốt, có người lắc đầu lè lưỡi khi biết nhóm chị từ Việt Nam. Vì với họ, Việt Nam xa xôi, song ai cũng tôn trọng và cởi mở. Hành trình Ấn Độ của chị Hằng chưa hề một nam giới, nữ giới nào hăm dọa, bắt nạt, lạm dụng hay lợi dụng. Con dao gấp phòng thân trong vali hóa ra chẳng có ý nghĩa gì…
Xem thêm: 7 bất ngờ khi trở lại du lịch Ấn Độ sau Covid-19
Jodhpur, hành trình du lịch Ấn Độ thương nhớ…
Ở Jodhpur, thành phố xa xôi nhất trong chuyến du lịch Ấn Độ. Chị Hằng còn gặp một ngạc nhiên bất ngờ nữa. Đó là gia đình anh chị chủ khách sạn. “Tàu đến Jodhpur đã 0h. Xe tuk tuk đưa chúng tôi dừng lại vì không thể leo lên chỗ khách sạn. Một con dốc trước mặt thử thách chúng tôi, đến đi bộ còn vật vã. Tài xế bảo tôi đưa số liên lạc của chủ khách sạn, rồi chú gọi điện trao đổi. Một lúc sau, chủ khách sạn trong trang phục rất lịch sự, đi xuống từ đỉnh dốc, hồ hởi chào mừng. Anh kéo chiếc vali khổng lồ của tôi lên con dốc dài. Trong khi, tôi đi… tay không. Đến khách sạn, anh dẫn chúng tôi lên phòng, bật điều hòa, bật quạt. Chủ khách sạn bảo cứ nghỉ ngơi đi, làm thủ tục nhận phòng sau. Anh muốn biết, chúng tôi cần ăn bữa sáng mai không. Tôi mừng rỡ, bảo anh là hai đứa chỉ cần vài lát bánh mỳ với trứng ốp. Mặt anh tỏ vẻ lo lắng, gia đình ăn thuần chay nên nhà mình không có trứng. Nhưng nếu các bạn cần, sáng sớm mai vợ mình sẽ mua trứng. Ngại phiền phức họ, tôi bảo thế nhà anh ăn gì, chúng tôi ăn nấy.
Sớm hôm sau, nhóm chị Hằng tỉnh dậy. Vợ anh chủ khách sạn đã nấu xong bữa sáng. Chị ấy mang tới mỗi người một đĩa bánh khoai tây bự, kèm một tách trà sữa Ấn Độ. Thấy hai vị khách gật gù ăn say sưa, chị chủ lại bày một đĩa bánh tặng thêm. “Vì các bạn cần thật nhiều năng lượng để khám phá hết thành phố này“, chị cười, nói. Ăn xong chị Hằng trả phòng, gửi đồ tại khách sạn để đi tham quan. Anh chủ bảo, chiều về cứ vào phòng nghỉ cho lại sức, miễn phí. Quả thật, chị Hằng quay lại vào buổi chiều, chị vợ chào đón niềm nở. Chị mời hai vị khách uống trà miễn phí. Rồi mở cửa phòng để nhóm chị Hằng ngủ một giấc sau cả ngày dài đi bộ rệu rã. Chập tối, chị chủ gọi một chiếc Tuk tuk giá rẻ đưa nhóm chị Hằng ra ga. Phút cuối, chị ấy không quên hẹn, nếu có dịp đến Ấn Độ, nhớ ghé thăm Jodhpur.
“Tôi tự nhủ sẽ còn du lịch Ấn Độ nhiều lần nữa. Miền đất xa lạ đã mang tới sự thân thương, an toàn đến cảm động. Không phải tôi không thấy điều chưa hài lòng. Song chúng quá bé nhỏ đến mức cảm giác tiêu cực thoáng qua, nhường chỗ là lòng biết ơn. Chúng tôi nói với nhau, ân hận vì chưa du lịch Ấn Độ sớm hơn. Một thế giới diệu kỳ như thế mà không chinh phục thì thật phí hoài“, chị Hằng bộc bạch./.
ẢNH: TRỊNH THU HẰNG